Cuộc sống làm marketing trong lĩnh vực dệt may eco đã mang lại cho tui nhiều trải nghiệm đáng nhớ, nhưng có lẽ chuyến đi về miền Tây lần này, đến với vùng đất An Giang để thăm cơ sở dệt Lãnh Mỹ A của gia đình Tám Lăng, đã để lại trong tui nhiều cảm xúc nhất.
Tối thứ Sáu, ngày 4/10/2024, tui cùng các đồng nghiệp trong công ty Bảo Lân Textile đi trước xuất phát từ công viên bờ sông Thủ Đức, và đoàn anh chị nhà báo thời trang sẽ đi sau từ Q7.
22 giờ, xe của chúng tui bắt đầu lăn bánh, đưa chúng tui rời khỏi nhịp sống ồn ào của Sài Gòn để tiến về miền Tây yên bình. Trên xe mọi người không nói chuyện nhiều mà ai cũng tranh thủ chợp mắt để chuẩn bị cho hành trình dài phía trước.
Khoảng 4 giờ sáng thứ Bảy, ngày 5/10/2024, xe đến thị xã Tân Châu, An Giang. Vừa lúc ấy, trời còn lờ mờ tối nhưng những tia nắng đầu tiên của bình minh đã bắt đầu ló dạng. Nhìn ra ngoài cửa sổ, tui thấy cả cánh đồng bát ngát, yên bình đến lạ. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim líu lo. Cảm giác ấy thật khác với cái ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn – yên bình và nhẹ nhàng đến khó tả.
Sau khi nghỉ ngơi và thưởng thức món cơm sườn ngon nhức nách tại quán Long Xuyên. Chúng tui di chuyển qua nhà “Cơ sở dệt lụa Tám Lăng” của anh Nguyễn Hữu Trí – người con út đang kế nghiệp nghề dệt Lãnh Mỹ A, chúng tui bắt đầu chuyến tham quan xưởng dệt vải của gia đình anh. Ở đây, tui mới thực sự cảm nhận được giá trị của nghề dệt truyền thống, cái nghề mà gia đình anh đã giữ gìn qua bao thế hệ, bất chấp những khó khăn và thách thức.
Xưởng dệt nằm ngay trong khuôn viên nhà anh, tuy không quá lớn nhưng chứa đựng biết bao tinh hoa và sự công phu của nghề thủ công. Tui được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân dệt vải, bàn tay của họ nhanh thoăn thoắt trên khung dệt, từng sợi tơ tằm lấp lánh dưới ánh sáng ban ngày dần dần được đan kết thành những tấm lụa mềm mại. Điều đặc biệt ở đây là tất cả các công đoạn từ dệt, nhuộm cho đến phơi đều rất thủ công và nặng nhọc.
Chúng tui tiếp tục ghé qua xưởng nhuộm và khu phơi vải Lãnh Mỹ A. Điều làm tui ấn tượng nhất chính là quy trình nhuộm vải với nhựa trái mặc nưa – một loại quả đặc trưng của vùng đất phù sa màu mỡ này. Mặc dù mùa này, trái mặc nưa không được như mong đợi, nhưng gia đình anh Trí vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Nhựa của trái mặc nưa tạo ra sắc đen huyền bí, bóng loáng cho lụa Lãnh Mỹ A, ngoài ra trái mặc nưa còn được bà con nơi đây dùng làm thuốc trị bệnh, phòng giun sán. Điều này khiến tui càng thêm khâm phục sự bền bỉ và tâm huyết của gia đình anh Trí trong việc bảo tồn nghề truyền thống.
Sau khi tham quan xưởng và trò chuyện về những khó khăn trong việc duy trì nghề dệt, đặc biệt là việc thiếu nguyên liệu và tay nghề thợ giỏi, tui cảm nhận được phần nào những áp lực mà anh Trí và gia đình phải đối mặt. Câu chuyện về những người thợ thủ công lặng lẽ, cần mẫn làm việc để tạo ra những tấm lụa Lãnh Mỹ A quý giá khiến tui không khỏi xót xa.
Chuyến đi không chỉ dừng lại ở việc tham quan và học hỏi. Trưa đó, đoàn chúng tui ghé quán Vườn Xoài dùng bữa trưa dưới những tán cây xoài xanh mát. Thức ăn quê hương miền Tây thật sự làm tui ngạc nhiên với những món đặc sản như cá linh kho tộ, lẩu khổ qua cá thác lác. Vị ngon đậm đà của từng món ăn đã làm chúng tui cảm nhận rõ sự chân chất, mộc mạc của con người và ẩm thực nơi đây.
Đến khoảng giữa buổi chiều, đoàn bắt đầu lên xe quay trở về Sài Gòn. Về tới thành phố, tui và sếp còn có cơ hội ghé qua khu Q5, thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Hoa như hủ tiếu xào, sườn xào chua ngọt, canh gà. Khung cảnh nhộn nhịp và hương vị đậm đà của các món ăn đã kết thúc chuyến đi một cách thật hoàn hảo.
23 giờ tối thứ Bảy, tui về đến nhà, lòng vẫn còn đầy ắp những cảm xúc về chuyến đi. Tui không chỉ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nghề dệt Lãnh Mỹ A, mà còn được hòa mình vào một không gian văn hóa và truyền thống quý giá. Hành trình về An Giang lần này đã khiến tui càng thêm trân trọng giá trị của nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam và cảm thấy tự hào vì mình đang góp phần nhỏ bé trong việc lan tỏa những giá trị ấy qua công việc mà tui đam mê suốt thời gian qua.
Chuyến đi lần này không chỉ là một hành trình về miền quê, mà còn là hành trình tìm về với những giá trị xưa cũ, với cái nghề mà tui tin rằng vẫn còn cần phải được gìn giữ và phát huy.
>>> Xem thêm:
0 Nhận xét